Nhạc sư Vĩnh Bảo – cây đại thụ của Đờn ca tài tử Nam Bộ

Nhạc sư Vĩnh Bảo
Tiếng đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo không chỉ thuộc hàng đẳng cấp mà đến tận hôm nay vẫn là độc nhất vô nhị.



Năm 2013, Đờn ca tài tử chính thức được UNESCO công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể. Là một loại hình âm nhạc truyền thống thử thách sức trường tồn qua thời gian, cho đến tận hôm nay, Đờn ca tài tử vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân Nam Bộ. Vì thế mà mỗi người dân nơi đây vẫn luôn biết ơn đến những con người bảo tồn vốn quý này.

Với những nghệ sĩ gạo cội, họ hát Đờn ca tài tử mỗi ngày, không chỉ để gìn giữ lọai hình nghệ thuật truyền thống này, mà còn để thể hiện cảm xúc với cuộc sống, với con người xung quanh. Phóng viên Cuộc sống thường ngày đã gặp gỡ với một nhạc sư nổi tiếng của Đờn ca tài tử, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Người mà tiếng đàn của ông không chỉ thuộc hàng đẳng cấp mà đến tận hôm nay vẫn là độc nhất vô nhị.

Nhạc sư, Giáo sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại tỉnh Đồng Tháp. Tiếp xúc với Đờn ca tài tử từ khi còn nhỏ, ông đã gắn bó với thể loại ấy gần một thập kỷ qua. Ông không chỉ là một nhạc công mà còn là một người nghiên cứu về âm nhạc, giáo sư dạy âm nhạc và nghệ nhân làm nhạc cụ. Ông được nhiều hãng ghi âm nổi tiếng của nước người mời ghi đĩa nhạc Đờn ca tài tử như hãng ghi âm của Pháp Ocora với đĩa nhạc Vietnam - Tradition Du Sud (Việt Nam - Truyền thống miền Nam) được phát hành năm 1992 với sự tham gia của cố giáo sư Trần Văn Khê. Ông cũng nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng cho những cống hiến của mình trong bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử như Giải thưởng Đào Tấn năm 2005, danh hiệu Hiệp sỹ văn học nghệ thuật do chính phủ Pháp trao tặng năm 2008 và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Ông cũng được biết đến là người cải tiến cây đàn tranh 16 dây tại Việt Nam.

Dù đã ở tuổi 101, nhạc sư Vĩnh Bảo có thể sử dụng máy tính thành thạo. Đây là cách ông truyền đạt những bài giảng về Đờn ca tài tử cho học sinh của mình ở nước ngoài. Từ cách đặt ngón tay ở dây nào đến việc lúc nào dừng để tạo nhịp phách, mỗi bài giảng đều được truyền đạt một cách cặn kẽ. Chiếc máy tính cũng là công cụ được ông sử dụng để chép lại những giai điệu Đờn ca tài tử bằng ký âm phương Tây.

* Về buổi biểu diễn và giao lưu tại Đại học Hoa Sen của nhạc sư Vĩnh Bảo năm 2015
Chiều ngày 4/6/2015, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có buổi trò chuyện thân mật với giảng viên, sinh viên ĐH Hoa sen về chủ đề: “Đờn ca tài tử Nam Bộ”.
Bằng giọng kể thâm trầm, nhạc sư dẫn dắt người nghe qua nhiều cung bậc cảm xúc. Theo lời ông, nghệ thuật Đờn ca tài tử hình thành từ cuối thế kỷ 19. Chữ “tài tử” có nghĩa là người chơi nhạc có tài, có năng khiếu, có hiểu biết về cổ nhạc và dày công khổ luyện. Bắt nguồn từ nhạc Lễ, nhạc Cung đình triều Nguyễn, kết hợp âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam, lại tồn tại trong không gian văn hóa Nam Bộ nên Đờn ca tài tử mang đậm phong cách của người Nam, đồng thời là một sản phẩm văn hóa độc đáo của dân tộc Việt.
Các bài bản của Đờn ca tài tử được cải biên liên tục từ 72 bài nhạc cổ và đặc biệt là từ 20 bài gốc (bài Tổ) cho 4 điệu (hơi), gồm: 06 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 07 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 03 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 04 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly).
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo
Đờn ca tài tử đặc biệt ở chỗ thường được biểu diễn ngẫu hứng, tùy hứng. Dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người đàn, hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Sự khác biệt này khiến cho người nghe luôn cảm thấy mới lạ dù nghe cùng một bài. Thêm nữa, người chơi nhạc phải “hạp” (hợp) nhau, hiểu nhau, phối hợp  ăn ý thì bản đàn mới hay, có hồn, dễ đi vào lòng người. Nhạc cụ được sử dụng trong Đờn ca tài tử gồm: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam (hoặc đàn sến, đàn độc huyền), sáo, tiêu, song loan...
Nhạc sư cho biết thêm: Phần hay nhất trong tài tử là ở phần rao của người đàn và nói lối của người ca. Người đàn dùng rao, người ca dùng nói lối để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn, tạo không khí cho dàn tấu. Ngoài ra khi trình diễn, các nghệ sĩ có thể dùng tiếng đàn của mình để “ đối đáp” hoặc “thách thức” với người đồng diễn.
Sau mỗi phần chia sẻ của nhạc sư, khán giả lại được thưởng thức các tiết mục trình diễn minh họa của các nghệ sĩ ưu tú Ba Tu, Nghệ sỹ ưu tú Út Tỵ và ca sỹ Kim Thanh.
Rất nhiều sinh viên dưới khán phòng bày tỏ sự quan tâm tới Đờn ca tài tử và đặt câu hỏi cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhờ thầy giảng giải thêm về loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Nhạc sư nhiệt tình giải đáp thắc mắc của các bạn, đồng thời nhắn nhủ thế hệ trẻ: “Một bộ phận giới trẻ ngày nay thờ ơ và quay lưng với âm nhạc dân tộc. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để giới trẻ hiểu cặn kẽ, biết nhạc dân tộc hay ở đâu để thưởng thức. Câu hỏi đó đặt ra đối với những người làm văn hóa, giáo dục. Cá nhân tôi luôn mong mỏi người trẻ có ý thức giữ gìn, tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc. Văn hóa Việt Nam còn thì nước Việt còn. Văn hóa cũng chính là nhịp cầu ngắn nhất kết nối các dân tộc, các quốc gia khác nhau trên thế giới”.
Sinh viên Hoa Sen giao lưu đặt câu hỏi cho Nhạc Sư Vĩnh Bảo về đờn ca tài tử
Kết thúc chương trình, sinh viên Hoa Sen gửi lời cảm ơn sâu sắc tới nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và các nghệ sĩ. Những lời trò chuyện, tâm tình của nhạc sư không chỉ nói về âm nhạc, mà còn truyền lửa, truyền đạo, khơi dậy tinh thần tình yêu nước của người trẻ. Ai nấy đều tự nhủ sẽ nối tiếp ngọn lửa ấy để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt.
(Sưu tầm nhiều nguồn)

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.