Hoành phi Câu đối Hán Nôm


Hoành phi Câu đối vốn là những thứ rất quen thuộc được treo trong nhà ở hoặc những nơi thờ cúng như Đền Chùa Miếu, các Nhà thờ Tộc Họ hoặc được tạc đắp trên các lăng mộ của nước ta. Trong khôn khổ bài viết này xin giới thiệu đến quý bạn đọc sơ lược về khái niệm Hoành phi câu đối và về 2 cuốn sách là 3000 Hoành phi câu Đối Hán Nôm (NXB Văn hóa thông tin - 2002) cuốn 5000 Hoành phi Câu đối Hán Nôm (NXB Văn hóa thông tin - 2006), để chúng ta tiện tham khảo ngâm cứu.

1. KHÁI NIỆM HOÀNH PHI CÂU ĐỐI:

Hoành phi vốn là bức thư họa, tức là bức “tranh chữ”. Thay vì viết những nét chữ “rồng bay, phượng múa” lên giấy, vải, lụa…, người xưa đã chạm, khắc, sơn thếp… văn tự lên những chất liệu bền vững như gỗ, đá… để tạo ra những bức “tranh chữ” bề thế, sang trọng. Hoành phi còn có nhiều tên gọi khác: hoành, biển, biển ngạch, bài biển.

Hai bức hoành phi có phong cách tạo hình, kiểu chữ và chất liệu khác nhau, treo trong chính đường của nhà vườn An Hiên - Huế

Có hai loại hoành phi khá phổ biến ở nước ta: hoành phi trang trí và hoành phi thờ tự. Hoành phi trang trí thường được treo ở phòng khách hay ở chính đường (gian giữa của tòa nhà), vừa để trang trí, vừa thể hiện một tín niệm nào đó của chủ nhân, có khi là một lời khuyên dạy của tiền nhân với hậu duệ trong gia tộc. Hoành phi thờ tự là loại hoành phi phổ biến trong các đình chùa, miếu vũ, nhà thờ họ tộc… Đó có thể là những biển ngạch định danh những nơi này, hoặc là những danh ngôn, mỹ tự được thờ phụng, tôn trí trang nghiêm.

Bức hoành phi "Văn vũ trung hiếu" bằng gỗ chạm lộng sơn then thếp vàng, lạc khoản đề Bảo Đại Đinh sửu đông (1937) treo trong chính đường của nhà vườn An Hiên - Huế

Nội dung của hoành phi thường nghiêm túc, trang trọng. Hình thức của hoành phi cũng rất phong phú: có khi chỉ là một mảnh gỗ hình chữ nhật có khung bao quanh, văn tự thể hiện chân phương, sơn son thếp vàng; có khi hoành phi được thể hiện kiểu cuốn thư, văn tự khắc nổi hay chạm sâu theo các kiểu chữ triện, chữ lệ rất cầu kỳ, được sơn thếp rực rỡ, khung ngoài có khắc chạm các đồ án trang trí rất tinh xảo.

Hoành phi và câu đối trong một ngôi nhà rường phục nguyên của nhà vườn xứ Huế

Câu đối còn gọi là doanh thiếp, doanh liên hay đối liên. Doanh, chữ Hán nghĩa là ‘cây cột’, thiếp là ‘tờ giấy’, liên là ‘liên kết’, đối là ‘đi đôi, song song, một cặp đối xứng’. Thuở trước, câu đối còn được gọi là liên hay liễn. Liễn là hai tấm giấy, hoặc hai vóc lụa dài để viết câu đối, có nẹp trục để cuộn. Câu đối là một loại hình văn hóa rất được người Việt ưa thích, từ tầng lớp thường dân cho đến các bậc thức giả, quyền quý. Câu đối xuất hiện trong rất nhiều sinh hoạt đời thường của dân ta: đón Tết, mừng xuân, tân gia, hôn sự, sinh con, đỗ đạt, thăng tiến, vinh danh, tuyên dương, vịnh cảnh, bài trí ở các nơi thờ tự, tôn miếu, chùa chiền… Thậm chí có cả những câu đối dùng để chê người, chửi đời…
Câu đối ngày trước viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Câu đối đời nay viết bằng chữ quốc ngữ, theo kiểu “thư pháp Việt”. Câu đối được viết, khắc, chạm trổ… trên rất nhiều chất liệu khác nhau: giấy, lụa, gỗ, đá, kim loại… muôn hình vạn trạng.


Bức hoành phi "Tế mỹ" do Tổng đốc An Tĩnh Trần Đình Bá tặng cho phò mã Nguyễn Hữu Tiễn vào năm 1922, treo ở từ đường Ngọc Sơn công chúa - Huế

Về nội dung, có loại câu đối trích dẫn nhiều điển tích, kinh điển; có loại ngôn ngữ mộc mạc chân chất. Có câu đối dùng để chúc tụng, biếu tặng nên hình thức cầu kỳ, chạm khắc tinh xảo, sơn thếp sang trọng. Có câu đối viết trên giấy, trên vải dùng để trang trí trong nhà dăm ba bữa Tết. Có câu đối chỉ đọc cho người khác nghe, xong rồi thôi, không lưu lại bút tích.

Hoành phi và câu đối bài trí ở gian giữa Ngọc Sơn công chúa từ đường - Huế

Huế là nơi còn lưu giữ nhiều hoành phi câu đối bậc nhất Việt Nam hiện nay, nhất là những hoành phi, câu đối được chạm khắc trên đá, trên gỗ một cách bền vững, giàu thẩm mỹ và nghệ thuật.


Tranh thờ và câu đối bài trí ở gian giữa nhà vườn

Ngày trước, Huế là kinh đô của cả nước, nên triều đình phong kiến cho xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm… Ở những nơi ấy, hoành phi và câu đối trở thành những vật bài trí không thể thiêu vắng. Huế còn có nhiều chùa chiền, đền miếu, nơi mà hoành phi, câu đối không chỉ là vật bài trí mà còn là thứ để thờ tự, để vinh danh và truyền bảo luân lý, đạo thường. Ngoài ra, vì là kinh đô, nên Huế sinh ra một tầng lớp quan liêu và quý tộc. Những người này sinh sống trong hàng trăm dinh thự, phủ đệ tọa lạc trong những khu vườn mênh mông ở Vỹ Dạ, Kim Long, An Cựu, Ngự Viên… Nơi ở của tầng lớp này thường là những ngôi nhà rường ba gian hai chái với rất nhiều hàng cột và hệ thống liên ba, đố bản. Đó là những nơi vô cùng thích hợp để bài trí hoành phi và câu đối. Không một người Huế nào có thể hình dung trong một ngôi nhà rường kiểu Huế lại vắng bóng hoành phi và câu đối.

Câu đối khảm bằng sành sứ ở bên trong cổng Lạc Tịnh Viên - Huế

Sau cùng, Huế là nơi hội tụ các bậc thức giả của cả nước. Họ là những vị hoàng thân quốc thích thông kinh bác sử; là quan lại lưu kinh phụng mệnh triều đình; là những Nho sinh đang “sôi kinh nấu sử” chờ ngày ứng thí… Tầng lớp này chính là “tác giả” của vô số hoành phi, câu đối hiện đang bài trí trong những ngôi nhà kiểu xưa của xứ Huế. Đó là những phương ngôn, triết lý của Nho giáo hay những lời ca ngợi, biểu dương chạm khắc trên hoành phi. Đó là những lời xưng tụng thượng cấp hay đồng liêu; là lời chúc mừng bằng hữu đỗ đạt hay thăng tiến… hiện diện trên những cặp câu đối bằng gỗ được chạm khảm cầu kỳ.

Câu đối theo kiểu chữ lệ khắc trên thân dừa, treo ở đình Nhân Hậu của Lạc Tịnh Viên - Huế

Chế độ phong kiến kết thúc, nhưng gia phong dưới những mái nhà rường xứ Huế vẫn còn. Hậu duệ của các bậc quý tộc, quan liêu xưa vẫn tìm cách níu giữ thời hoàng kim quá vãng bằng việc nâng niu những di sản mà tiền nhân để lại, trong đó có hoành phi và câu đối.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh khốn khó thời hậu chiến, nhiều người buộc lòng bán đi nhiều kỷ vật của gia tộc, kể cả hoành phi và câu đối, để mưu sinh. Tiếp theo, cơn lốc thời kinh tế thị trường và làn sóng hưởng thụ cuộc sống tiện nghi đã “cuốn phăng” nhiều ngôi nhà rường truyền thống, thay thế bằng những villa hiện đại và những ngôi nhà hình ống. Hoành phi và câu đối cũng theo đó mà mất mát khá nhiều.

2. PHẦN GIỚI THIỆU VÀ DOWNLOAD SÁCH:

Hai cuốn sách trên đều có cùng một cách trình bày, chỉ có điều cuốn 5000 Hoành Phi Câu Đối Hán Nôm được xuất bản sau nên có cập nhật thêm nhiều thông tin, mỗi cuốn sách bao gồm:

Phần I: Hoành phi

Phần II: Câu đối chữ Nôm

Phần III: Câu đối chữ Hán (Câu đối Tết, câu đối Phong cảnh...)

Cuối sách là phần Mục lục và phần tra cứu Câu đối theo Alphabet để bạn đọc tiện tìm kiếm.

---------------------------------------------------------------
XEM SÁCH ONLINE

---------------------------------------------------------------
DOWNLOAD SÁCH:

Google Drive | Mega.nz | Fshare.vn

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.