Kị húy dưới thời nhà Nguyễn
Ngày nay trong ngôn ngữ tiếng Việt đặc biệt là khu vực miền Nam và miền Trung xuất hiện rất nhiều từ đồng nghĩa như: “cây cảnh cây kiểng, bình bông, bình hoa hay hành chính, hành chánh”. Những điểm khác biệt này góp phần làm tiếng Việt thêm phong phú, tạo ra sự thích thú khám phá vùng miền, quay ngược dòng thời gian lịch sử thì những từ ngữ này xuất hiện có liên quan tới việc kị húy trong thời phong kiến. Theo tục xưa, người dân Đàng Trong kỵ húy các chúa Nguyễn, do đó một số từ ngữ bị biến âm. Không chỉ biến đổi về âm mà còn áp dụng cả trong cách gọi tên các dòng họ.
Kị húy là gì ?
Kị húy hay còn gọi là kiêng húy là cách viết hay đọc trại một từ nào đó do bị kiêng kị trong ngôn ngữ văn tự xã hội thời phong kiến. Từ đó đi đến chỗ kỵ húy đã trở thành một mệnh lệnh cưỡng hành ở cấp quốc gia trong lòng chế độ phong kiến. Vậy dưới sự thống trị của nhà Nguyễn, kỵ húy có những đặc điểm gì ?
Nói đến vương triều Nguyễn, không thể nhắc đến thời kì bản lề với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Cũng theo tục xưa, người dân nơi đây kỵ húy các chúa Nguyễn. Từ đó, một số từ ngữ bị biến âm, cụ thể như: Chữ “Hoàng” đổi thành “Huỳnh” do Chúa Tiên tên Nguyễn Hoàng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là “Vũ Vương” nên chữ “Vũ” đổi thành “Võ”. Không chỉ biến đổi về âm mà còn áp dụng trong cách gọi tên các dòng họ. Thời điểm duy nhất người ta có thể gọi thẳng tên các chúa là trong khoảng thời gian vương triều Tây Sơn tồn tại.
Đến khi Nguyễn Phúc Ánh lật đổ Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long, thì kỉ cương của việc kỵ húy được thiết lập trở lại. Và luật lệ liên quan đến việc kỵ húy trở nên độc đoán nhất dưới thời 4 vị vua đầu triều đại này.
Năm 1802, ngay sau khi đăng quang, vua Gia Long lập tức ra lệnh cấm trong cả nước, không ai được phép nói đến, đọc đến tên mình, mà phải nói chệch sang là Yếng (đến nỗi hơn một trăm năm sau. Hội thánh Tin Lành xuất bản báo của mình, vẫn phải đặt trại tên báo là Yếng Sáng). Không những thế, ông còn bắt kiêng thêm bốn tên thuở bé là Cốn, Cảo, Chủng và Noãn. Hoàng Thái tử Nguyễn Cảnh đã chết trước khi triều Nguyễn được thành lập, nhưng vua cha Gia Long vẫn yêu cầu phải đọc trẹo từ “Cảnh” sang Kiểng. Dần dà thành thói quen, ngày nay, nhiều nơi vẫn phải gọi cá cảnh là cá kiểng, cây cảnh là cây kiểng, và cả thời Việt Nam Cộng Hòa, lính cảnh (không phải ra trận, chỉ để trang trí, chạy giấy, phục dịch việc vặt…), cũng được gọi là lính kiểng. Gia Long còn bắt kiêng tên các thành viên trong Hoàng tộc, ngay cả tên con dâu 15 tuổi mới cưới về tên (là Hồ Thị Hoa) cũng phải tránh. Vì vậy, một loạt các địa danh phải đổi tên như chợ Đông Hoa phải đổi là chợ Đông Ba, cầu Hoa thành cầu Bông, trấn Thanh Hoa đổi là trấn (nay là tỉnh) Thanh Hóa, thậm chí vai tuồng Phàn Lê Hoa phải đổi là Phàn Lê Huê, hoa hậu đọc là huê hậu (như Trần Ngọc Trà được mệnh danh là “Huê Khôi Nam Kỳ”).
Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) lệnh húy kị nói rõ nếu ai vi phạm sẽ chiếu luật vi chế xử tội nặng nhẹ tuỳ trường hợp. Những chữ liên quan đến tên vua chúa Nguyễn này trở thành quốc huý nghĩa là cả nước phải kiêng.
Sau khi vua Minh Mạng công bố Ngự chế mạng danh thi (Đế hệ thi) thì một vua Nhà Nguyễn có năm tên, bao gồm :
- Danh tự (tên húy): tên tự tục danh tên do cha mẹ đặt khi sinh ra
- Ngự danh: tên chính thức khi lên làm vua lấy trong Kim sách
- Niên hiệu: tên của triều đại
- Thuỵ hiệu: tên đặt sau khi chết dùng để khấn vái khi cúng tế
- Miếu hiệu: danh hiệu để thờ trong miếu và gọi trong sử
Lấy ví dụ vua Thiệu Trị, vị vua thứ 3 của Nhà Nguyễn:
- Tên húy: Nguyễn Phúc Miên Tông (阮福綿宗)
- Ngự danh: Nguyễn Phúc Tuyền (阮福暶)
- Niên hiệu: Thiệu Trị (紹治)
- Thụy hiệu: Thiệu thiên Long vận Chí thiện Thuần hiếu Khoan minh Duệ đoán Văn trị Vũ công Thánh triết Chương Hoàng đế (紹天隆運至善純孝寬明睿斷文治武功聖哲章皇帝)
- Miếu hiệu: Hiến Tổ (憲祖)
Trong đó, danh tự và ngự danh đều là trọng huý tuyệt đối không dùng và gọi. Khi vua mới lên ngôi, Bộ Lễ phải rà soát tất cả các địa danh trong nước, nơi nào trùng với danh tự và ngự danh phải lập tức xin đổi ngay.
Dựa trên giấy tờ của 40 lệnh kiêng còn sót lại, người ta đã thống kê ra được 531 lượt/chữ bị kiêng kỵ cấm húy dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong lịch sử trung đại Việt Nam ghi được 40 lần ra lệnh kiêng kỵ, riêng triều đình Huế của mấy vua Nguyễn đã chiếm tới 22 lệnh. Ông vua ra lệnh nhiều nhất và nhanh nhất là Thiệu Trị, trong 5 năm cầm quyền mà hạ đến 8 lệnh kiêng húy. Còn trong 22 lệnh này thì lệnh thứ tư của Tự Đức ban năm 1861 là nặng nhất, đạt tới mức kỉ lục khi phải kiêng tới 47 chữ!
Ngày nay, xã hội hiện đại và dân chủ hơn, ngôn từ cũng trở nên phóng khoáng. Tuy nhiên, với vị trí là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt nam, gần gũi hơn hết với thời cận hiện đại, các luật húy kỵ của triều Nguyễn để lại nhiều dấu ấn nhất định và vẫn được duy trì trong ngôn ngữ sinh hoạt của người Việt hiện tại, rõ nét nhất là ở miền Nam.
(Nguồn: ST)
Không có nhận xét nào: